Tôi thích cụm từ "Hào khí miền Đông" mà Báo Thanh Niênchọn làm chủ đề cho cuộc thi viết về đất và người miền Đông Nam bộ. Cụm từ gợi lên tính cách đầy tự hào của người dân miền Đông,âyNinhtrongtôcha giàu cha nghèo trong đó có Tây Ninh, vốn được trui rèn trong suốt quá trình mở cõi và giữ gìn một dải biên cương của Tổ quốc: kiên trung, dũng cảm, nhân hậu, bao dung…
Người Tây Ninh kiên trung
Không phải ngẫu nhiên mà cha ông đặt tên tỉnh là Tây Ninh, "an ninh ở phía tây", "phía tây luôn an ninh". Dù giải nghĩa thế nào thì đều là sự thể hiện trách nhiệm của người dân Tây Ninh đối với giang sơn của Tổ quốc.
Tây Ninh giáp biên giới với nước bạn Campuchia vốn chịu nhiều đau thương mất mát của khói lửa chiến tranh.
Sau năm 1975, trong khi cả nước bắt tay vào xây dựng, kiến thiết quốc gia, Tây Ninh tiếp tục đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam. Nói sao cho hết những gì mà người Tây Ninh đã trải qua, đất Tây Ninh đã chịu đựng. Nhưng cho đến nay, biên giới Tây Nam của Tổ quốc luôn được "an ninh", sứ mệnh bảo vệ biên cương đã được người Tây Ninh hoàn thành xuất sắc. Khẳng định như vậy để thấy rằng, "an ninh" không chỉ dừng lại ở hai chữ bình an, an yên mà còn là sự vững chắc, thịnh vượng của vùng đất này.
Ngoài những chiến tích oai hùng trong kháng chiến, ở thời bình có một công trình mang "tầm vóc lịch sử": công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng. Công trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1979, khởi công xây dựng vào ngày 29.4.1981. Tổng số vốn khoảng hơn 100 triệu USD.
Giờ đây, rất nhiều người lớn tuổi nhớ lại những năm đầu xây dựng hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng đều nhắc lại khẩu hiệu: "Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta" với niềm tự hào vô biên. Thời đó, tuổi trẻ đóng vai trò nòng cốt trong việc thi công công trình thủy lợi này... Theo tư liệu, đến ngày công trình đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động hơn 450.000 lượt đoàn viên - thanh niên tham gia, thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp được hơn 11,6 triệu m3đất, xây lắp gần 54.000 m3bê tông và đá xây... để xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên kênh.
Hồ Dầu Tiếng hình thành do đắp chặn thượng nguồn sông Sài Gòn. Vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông này trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ có dung tích chứa hơn 1,58 tỉ m3nước. Nước từ hồ Dầu Tiếng tưới trực tiếp cho khoảng 76.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh và TP.HCM, Long An, mỗi địa phương khoảng 12.000 ha. Đồng thời, hồ cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM với lưu lượng gần 44m3/giây ...
Không chỉ dừng lại ở đó, công năng của hồ Dầu Tiếng đang tiếp tục được khai thác. Cụ thể như công trình tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông khởi công từ tháng 4.2018 do Ban quản lý dự án Đầu tư và xây dựng ngành NN-PTNT Tây Ninh làm chủ đầu tư, với số vốn đầu tư ban đầu gần 998 tỉ đồng. Đầu năm 2022, dự án được UBND tỉnh Tây Ninh điều chỉnh, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 1.246 tỉ đồng. Số vốn đầu tư được tăng thêm để bổ sung chi phí bồi thường, tái định cư. Công trình hoàn thành sẽ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp, đồng thời, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu.
Giá trị của hồ Dầu Tiếng rất lớn, đồng thời, sự hy sinh của của người dân Đông Nam bộ nói chung và Tây Ninh cũng không sao kể hết.
Bao dung và nghĩa tình
Theo nhiều tư liệu lịch sử, từ xa xưa đã có dấu vết con người sinh sống trên đất Tây Ninh nhưng mãi đến thế kỷ 17, cộng đồng người Việt từ vùng Thuận – Quảng qua nhiều đợt di cư vào địa bàn Đông Nam bộ, trong đó có Tây Ninh. Từ đó "cuối thế kỷ 18, trên đất Tây Ninh đã hình thành những thôn làng dọc theo triền sông, gần các thủ sở, đồn bảo biên phòng. Cư dân ở những thôn ấp này đã canh tác nông nghiệp làm ra lương thực, đồng thời khai thác ra nguồn lâm thổ sản phong phú với các quy định thuế khóa hẳn hoi của chính quyền" (Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh, trang 8). Nhìn lại lịch sử có thể thấy Tây Ninh được hình thành và phát triển nhờ nhiều dân tộc cùng góp phần khai phá, xây dựng và sinh sống.
Theo thống kê, bên cạnh dân tộc Kinh, hiện nay trên toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số, trong đó đa số là cộng đồng người Khmer, người Chăm, người Hoa. Ngoài ra còn có người Tà Mun, Ấn, Mường, Thái, Châu Ro, Tày, Nùng... Mỗi một cộng đồng đều có bản sắc riêng và được tạo điều kiện để giữ gìn bản sắc đó, đồng thời cũng hòa hợp với cộng đồng chung.
Rất bao dung nên Tây Ninh sẵn sàng dung nạp, cưu mang người dân từ nhiều nơi khác đến, nhờ vậy hầu hết đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh đều sinh sống ổn định. Rất phóng khoáng, nghĩa tình nên Tây Ninh có nhiều lễ hội, cách ứng xử độc đáo. Ví như, trong những dịp lễ, tết, rất nhiều người dân tổ chức những phiên chợ "lá" (dùng lá thay tiền mua hàng hóa: một hình thức làm từ thiện tế nhị), hay tổ chức những buổi tiệc chiêu đãi cộng đồng, thường là thức ăn chay và hoàn toàn miễn phí.
Tây Ninh hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống anh hùng, bản sắc độc đáo, tiềm năng phong phú..., tin chắc rằng, Tây Ninh sẽ ngày càng phát triển, nhanh chóng xác lập vị thế mới, xứng đáng với "hào khí" của miền Đông Nam bộ gian lao mà anh dũng.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đôngdo Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.